Nhà thờ Con Gà không chỉ là một địa điểm du lịch mà còn là nơi sinh hoạt tôn giáo của người dân thành phố Đà Lạt. Đồng thời cũng được biết tới là nhà thờ cổ nhất tại thành phố sương mù. Với những du khách tìm đến Đà Lạt du lịch thật khó có thể bỏ qua được địa điểm du lịch này. Tuy nhiên, để có thể tham quan trọn vẹn được nhà thờ này thì các bạn cần phải tìm hiểu những thông tin cơ bản nhất sau đây!
1. Tìm hiểu về sự tích xa xưa của nhà thờ Con Gà
Nhà thờ Con Gà tại Đà Lạt còn được nhiều người biết đến với cái tên nhà thờ Chánh tòa. Đây là một nhà thờ cổ đã chứng kiến nhiều thăng trầm lịch sử của thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng. Theo các ghi chép cho thấy, vào những năm 1917, một người đàn ông Viễn Đông tên là Nicola Couveur đã tới Đà Lạt với mục đích tìm nơi nghỉ dưỡng cho các giáo sĩ. Ông đã chọn nơi đây làm địa điểm để xây dựng một dưỡng viện giáo đồ với quy mô đồ sộ và ngày nay nó đã trở thành một phần của nhà xứ. Cho tới tháng 4 năm 1920 thì vị giám mục có tên Quinton đã quyết định thành lập Giáo phận Đà Lạt.
Nhà thờ Con Gà được xây dựng trong suốt 11 năm liền, bắt đầu từ 9h00 sáng chủ nhật ngày 19/07/1931 kéo dài tới ngày 25/01/1942 mới được khánh thành. Người giám sát xây dựng và cũng là người đặt viên đá đầu tiên cho công trình này là giám mục Colomban Dreyer.
Có khá nhiều người tò mò về việc tại sao nhà thờ này lại lấy tên là nhà thờ Con Gà. Có những người cho rằng sở dĩ nhà thờ có tên này là bởi nó được xây dựng bởi người Pháp và con vật biểu trưng cho nước Pháp chính là con gà. Cũng có những người thông thạo kinh thánh thì cho rằng, nguồn gốc của cái tên này là để gợi nhớ tới câu nói nhìn thấu nhân tâm của Đức chúa Jesus. Ông đã nói như thế này về Pétros – người đồ đệ của mình khi bị bắt: “Ta bảo thật ngươi, trước khi gà gáy 3 lần, người sẽ chối ta”. Chình vì câu nói này mà khi xây dựng nhà thờ người ta đã cho xây dựng biểu tượng con gà trên nóc của nhà thờ.
Tuy nhiên, cũng có những người không đồng tình với các suy luận trên. Họ cho rằng nguồn gốc của cái tên nhà thờ Con Gà không đơn giản như thế. Theo như sách của thánh Job – một bản kinh Cựu ước quan trọng và nổi tiếng đã chỉ ra rằng con hạc trống và con gà trống chính là hai linh vật biểu tượng cho trí tuệ của Đức chúa trời. Cả hai con vật này đều được Chúa trời ban cho khả năng tiên đoán, cụ thể, con hạc trống thì có khả năng báo mùa nước dâng trên sống, còn con gà trống thì báo thời gian ngày và đêm. Chính vì vậy, khi xây dựng nhà thờ Con Gà người ta đã lấy hình ảnh con gà trống đặt trên nóc nhà thờ để thể hiện tinh thần và cảnh tỉnh tâm linh của con người.
2. Nhà thờ Con Gà lễ vào các giờ nào?
Việc nắm được giờ làm lễ ở nhà thờ Con Gà là rất quan trọng. Nếu các bạn theo đạo thì có thể tới đây lễ hoặc có thể lựa thời gian để tới tham quan. Tại nhà thờ tổ chức lễ tất cả các ngày trong tuần. Vào các ngày bình thường, nhà thờ tổ chức lễ vào hai khung giờ là 5h15 sáng và 17h15 chiều.
Còn riêng vào ngày chủ nhật thì giờ lễ nhiều hơn. Cụ thể, có các giờ lễ vào lúc 5h15, 7h, 8h30, 16h và 18h.
Dựa vào các giờ lễ này mà các bạn có thể sắp xếp thời gian để tới làm lễ hoặc chọn thời điểm tới tham quan phù hợp.
3. Khám phá vẻ đẹp của nhà thờ Con Gà tại Việt Nam
Không chỉ riêng Đà Lạt mới có nhà thờ Con Gà mà tại Việt Nam còn có hai thành phố khác cũng có nhà thờ này, đó là Đà Nẵng và TPHCM. Mỗi nhà thờ Con Gà tại mỗi thành phố lại có những vẻ đẹp riêng. Vậy đó là vẻ đẹp như thế nào thì hãy cùng chúng tôi khám phá ngay sau đây!
3.1. Vẻ đẹp của nhà thờ Con Gà Đà Lạt
– Địa chỉ: Số 15 Trần Phú, phường 3, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng
– Đường đi: Để di chuyển tới nhà thờ Chánh tòa Đà Lạt các bạn xuất phát từ chợ Đà Lạt, đi qua vòng xoay, lên cầu ông Đạo. Đứng trên cầu nhìn sang tay phải sẽ thấy nhà thờ. Để qua nhà thờ thì các bạn đi xuống cầu, tới đường Lê Đại Hành, đi thẳng rồi lên dốc là tới nơi.
Từ lâu nhà thờ Con Gà tại Đà Lạt đã là một địa điểm du lịch miễn phí nổi tiếng trong lòng du khách. Nhà thờ hàng trăm năm tuổi này mang một vẻ đẹp vừa cổ kính nhưng cũng rất tráng lệ và ấn tượng. Kiến trúc của nhà thờ được đánh giá là độc đáo và hoành tráng, để lại dấu ấn sâu đậm trong tiềm thức của bất kỳ du khách nào đã từng ghé qua.
Nhà thờ nổi bật với hình ảnh của chú gà trống to lớn được gắn trên nóc nhà. Trong kinh Tân ước, hình ảnh này được coi là biểu tượng của sự sám hối. Bức tượng con gà trống này được làm bằng hợp kim nhẹ, tráng hóa chất và đặt trên một trục quay. Khi có gió thổi tới, tượng con gà có thể xoay theo chiều gió. Ngoài ra, bức tượng này cũng được coi là cột thu lôi để bảo vệ cho nhà thờ tránh khỏi sấm sét trong các cơn giông bão.
3.2. Vẻ đẹp của nhà thờ Con Gà Đà Nẵng
– Địa chỉ: Số 156 Trần Phú, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Nhà thờ Con Gà Đà Nẵng hay còn gọi là nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu, nhà thờ Chánh tòa Đà Nẵng. Nhà thờ này được xây dựng vào năm 1923 bởi người Pháp. Cũng bởi thế mà nó mang đậm phong cách kiến trúc cổ điển Gothique. Đến thăm nhà thờ này các bạn sẽ phải ấn tượng với những vòm cửa quả trám cao vút, đầy màu sắc cùng khung cảnh mang đậm nét trầm mặc, cổ kính nằm giữa thành phố cảng sôi động.
Tại nhà thờ có rất nhiều bức tranh, ảnh và các pho tượng Chúa được làm dựa theo thánh kinh. Cách bài trí cũng tương tự như các nhà thờ Thiên Chúa giáo tại các nước phương Tây. Điểm ấn tượng nhất của nhà thờ này cũng chính là hình ảnh con gà trống bằng kim loại đặt trên nóc nhà thờ. Còn ở phía sau của nhà thờ chính là hàng đá Đức Mẹ. Hang đá này được xây dựng theo mẫu hàng đá Lourdes của Pháp, mang đậm nét bình yên, giản dị.
3.3. Vẻ đẹp của nhà thờ Con Gà Hồ Chí Minh
– Địa chỉ: Số 1 đường Tôn Thất Tùng, quận 1, TPHCM
Nhà thờ Con Gà TPHCM hay còn được biết đến với tên gọi là nhà thờ Huyện Sỹ đã có hàng trăm năm tuổi. Đây là một địa điểm du lịch thu hút không chỉ du khách nước ngoài khi tới Việt Nam mà giới trẻ Sài thành cũng đặc biệt tìm tới đây để tham quan, chụp ảnh và ngồi bên ngoài nhà thờ cafe, chém gió.
Cũng giống như nhà thờ Con Gà tại Đà Lạt và Đà Nẵng, nhà thờ này có một bức tượng của chú gà trống lớn được đặt trên nóc rất ấn tượng.
Theo tìm hiểu thì nhà thờ này được ông bà Lê Phát Đạt, tức Huyện Sỹ đà hiến đất cùng 1/7 số gia tài của mình để xây dựng. Vào năm 1902, nhà thờ chính thức khởi công và được thiết kế theo phong cách Gothic với mặt tiền và các cột chính ốp đá hoa cương cùng mái vòm chịu lực dạng cung nhọn tại chính điện.
Hiện nay, cả ba nhà thờ Con Gà này đều là những địa điểm rất thu hút du khách tìm tới. Nó đã trở thành một biểu tượng du lịch, tôn giáo tại Đà Lạt, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh.