Tại Cần Giờ có một khu dự trữ sinh quyển với một quần thể lớn có tên là Rừng Sác. Tại đây có thể tìm thấy rất nhiều loài động, thực vật rừng trên cạn và thủy sinh. Rừng được hình thành trên một vùng châu thổ rất rộng lớn của 3 cửa sông là sông Đồng nai, sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ.
1. Vị trí địa lý của rừng Sác Cần Giờ
Rừng Sác nằm ở cửa ngõ phía Đông Nam của thành phố Hồ Chí Minh, cách trung tâm thành phố khoảng 40km. Rừng nằm trên tọa độ 10°22’ – 10°40’ độ vĩ Bắc và 106°46’ – 107°01’ kinh độ Đông.
- Phía Bắc, rừng ngập mặn giáp với tỉnh Đồng Nai
- Phía Nam giáp với biển Đông
- Phía Tây giáp với tỉnh Tiền Giang và Long An
- Phía Đông giáp với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Theo tìm hiểu, hiện nay khu rừng ngập mặn này có diện tích khoảng 75.740ha, trong đó vùng lõi có diện tích 4.721ha, vùng đệm là 41.139ha và vùng chuyển tiếp là 29.880ha. Rừng ngập mặn Cần Giờ là nơi phát triển và cư ngụ của rất nhiều loài động, thực vật, trong đó nổi bật nhất là loại khỉ đuôi dài.
2. Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ hình thành như thế nào?
Trước chiến tranh Rừng Sác đã là một khu rừng ngập mặn có hệ động thực vật vô cùng đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, dưới sự tàn phá của chiến tranh, Rừng Sác đã trở thành “vùng đất chết”.
Tới năm 1978, khi Cần Giờ được sáp nhập vào thành phố Hồ Chí Minh thì ngay một năm sau đó, UBND thành phố đã lập tức phát động chiến dịch trồng lại rừng Cần Giờ và thành lập nên Lâm trường Duyên Hải với mục đích khôi phục lại hệ sinh thái của khu rừng này. Sau khi phát động phong trào đã có hơn 31 nghìn ha rừng được phủ xanh, trong đó gần 20 nghìn ha là rừng trồng và hơn 11 nghìn ha là được khoanh nuôi tái sinh tự nhiên cùng các loại rừng khác.
Vào ngày 21/01/2000, Rừng Sác được tổ chức UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đồng thời, đây cũng đã trở thành khu du lịch trọng điểm của nước ta. Hàng năm, Rừng Sác đón tiếp rất nhiều lượt du khách đến tìm hiểu và tham quan.
Hiện nay, rừng ngập mặn Cần Giờ được giao lại cho chính người dân địa phương trông coi, chăm sóc và quản lý.
3. Khám phá hệ sinh thái của rừng ngập mặn Cần Giờ
Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ là khá phức tạp và đặc biệt. Rừng là sự kết hợp giữa hệ sinh thái trung gian giữa hệ sinh thái trên cạn và hệ sinh thái thủy vực, hệ sinh thái nước mặn với hệ sinh thái nước ngọt. Rừng được con sông Đồng nai bồi đắp phù sa qua mỗi năm. Bên cạnh đó với sự ảnh hưởng của biển cùng các đợt thủy triều đã giúp cho hệ thực vật ở đây cực kỳ phát triển. Theo thống kê, hiện rừng ngập mặn Cần Giờ đang sở hữu tới trên 150 loài thực vật và cũng là nguồn cung cấp thức ăn là nơi trú ngụ của hàng trăm loại thủy sinh, cá cùng các loại động vật có xương sống khác.
3.1. Thực vật tại rừng ngập mặn Cần Giờ
Tại rừng Sác, loại thực vật phát triển nhiều và mạnh nhất là bần trắng, mấm trắng cùng các quần hợp đước đôi – bần trắng, xu ổi, trang và đưng,… Ngoài ra cũng phải kể đến cả các loại thực vật nước lợ như bần chua, ô rô, dừa lá hay ráng,…
Nói về thảm cỏ biển thì phải kể đến các loài như Halophyla vsp., Halodule sp. Hay Thalassia sp. Bên cạnh đó, tại đây còn có các loại thực vật canh tác nông nghiệp như lúa, khoai mỡ, các loại đậu, dừa cùng rất nhiều loại cây ăn quả.
3.2. Về động vật tại rừng
Theo ghi nhận, hiện rừng Sác đang có hơn 700 loài động vật thủy sinh không xương sống, 130 loài cá, 9 loài lưỡng thể, 31 loài bò sát và 4 loài động vật có vú. Đặc biệt, có tới 11 loài bò sát có tên trong sách đỏ Việt Nam hiện cũng đang có mặt tại khu rừng này như: tắc kè, kỳ đà nước, trăn gấm, trăn đất, rắn hổ mang, rắn cạp nong, rắn hổ chúa, vích và cá sấu hoa cà. Ngoài ra, rừng còn có tổng cộng khoảng 130 loài chim với 47 họ, 17 bộ cũng đang cư ngụ tại khu rừng này. Trong đó, có 51 loài thuộc chim nước và 79 loài không phải sinh nước.
Xem Thêm >> Đảo Khỉ Cần Giờ
4. Rừng ngập mặn Cần Giờ có chức năng gì?
Với hệ sinh thái đang sở hữu, rừng ngập mặn Cần Giờ giữ một chức năng vô cùng quan trọng. Nó không chỉ là “lá phổi” mà còn là “quả thận” để làm sạch không khí và nước thải cho thành phố trước khi đổ ra biển Đông. Từ đó giảm thiểu tối đa sự ô nhiễm biển do nước thải công nghiệp gây ra.
5. Di tích lịch sử rừng Sác Cần Giờ
Trong thời kỳ chiến tranh, rừng Sác không chỉ là nạn nhân mà còn là một chứng nhân lịch sử. Từ năm 1966 cho đến năm 1975, khu rừng này đã chứng kiến gần 400 trận đánh lớn nhỏ của bộ đội đặc công trong quá trình bảo vệ đất nước. Có tới hơn 6.000 lính Mỹ và chư hầu đã bị loại khỏi vòng chiến đấu, 356 tàu, thuyền chiến đấu bị đánh chìm hoặc bị cháy, 13 tàu vận tải bị đánh đắm, 145 giang thùy bị bắn cháy và 29 máy bay trực thăng bị bắn rơi. Trong số đó, có rất nhiều các chiến sĩ đã mãi mãi dừng chân tại rừng Sác. Cho đến nay, vẫn còn 542 chiến sĩ chưa tìm được thi hài.
Vào ngày 23/09/1973, Nhà nước Việt Nam đã trao tặng cho Đoàn 10 – Trung đoàn 10 đặc công rừng Sác danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tới ngày nay, tại rừng Sác vẫn có một khu dành để tưởng niệm các bộ đội đặc công. Đây cũng được coi là một trong các di tích lịch sử cấp quốc gia cần được gìn giữ và bảo tồn.
6. Du lịch khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ
Nếu trước đây, Cần Giờ chỉ là một vùng đất nghèo, người dân sống lam lũ thì khi được sáp nhập vào thành phố Hồ Chí Minh, nhà nước có các chính sách quy hoạch và phát triển Cần Giờ thành khu du lịch sinh thái, nơi đây đã có bước chuyển mình đáng kể.
Vào năm 2000, khu du lịch sinh thái Vàm Sát thuộc khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ được thành lập. Chỉ 3 năm sau đó, Vàm Sát đã được tổ chức du lịch thế giới công nhận là một trong hai khu du lịch sinh thái phát triển bền vững nhất Việt Nam. tại khu du lịch, các du khách có thể tham quan rất nhiều địa điểm thú vị như đầm dơi, đi thuyền trên sông, thăm sân chim hay chơi đùa với đàn khỉ và tìm hiểu về các loài động thực vật tại rừng.
Đi về phía Nam của Rừng Cần Giờ chính là biển Đông. Biển có làn nước trong xanh, bờ cát trắng mịn và không khí rất trong lành với một khu tiểu sinh thái đang được xây dựng và phát triển thành khu du lịch hiện đại.
Có thể nói, với sự nỗ lực của cả nhà nước, chính quyền thành phố và người dân địa phương Cần Giờ đã giúp cho khu rừng ngập mặn này được bảo tồn và phát triển vô cùng tốt. Mỗi năm, rừng thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước ghé thăm. Ngoài ra, cũng có rất nhiều các nhà nghiên cứu tìm đến đây để tìm hiểu và khám phá về sự phong phú của hệ sinh thái rừng ngập mặn. Tin chắc rằng, với những đường hướng phát triển đúng đắn, rừng ngập mặn Cần Giờ không chỉ là một địa chỉ tham quan, một khu dự trữ sinh quyển đa dạng mà còn là mái nhà của rất nhiều loại động thực vật phong phú.
Trên đây là những thông tin về rừng Sác – rừng ngập mặn nổi tiếng tại Việt Nam. Nếu có điều kiện các bạn nên ghé qua đây một lần để có thể khám phá được sự phong phú, đa dạng và nét đẹp hoang dã, tự nhiên nơi đây!