Khám phá chùa Dơi ở Sóc Trăng cùng những điều bí ẩn

Mặc dù tại Sóc Trăng có rất nhiều ngôi đền chùa nổi tiếng nhưng chùa Dơi vẫn là một trong những công trình nổi bật và có ý nghĩa quan trọng. Mặc dù đã trải qua nhiều biến động, thăng trầm nhưng chùa Dơi ở Sóc Trăng vẫn lưu giữ được những nét cổ kính, hoang sơ trong kiến trúc và mang đậm giá trị văn hóa, tín ngưỡng của người dân Sóc Trăng.

chùa Dơi ở Sóc Trăng

1. Vị trí

Chùa Dơi hay còn có tên gọi khác là chùa Mã Tộc, chùa Mahatúp. Chùa hiện có địa chỉ tại đường Nguyễn Văn Chính, phường 3, thành phố Sóc Trăng. Sở dĩ ngôi chùa này được gọi là chùa Dơi bởi trong chùa có một số lượng lớn dơi sinh sống. Đồng thời, đây cũng là không gian văn hóa duy nhất tại Sóc Trăng thờ Phật Thích Ca của người dân tộc Khmer Nam Bộ.

2. Lịch sử hình thành chùa Dơi ở Sóc Trăng

Theo những ghi chép còn lưu giữ lại cho tới ngày nay thì thì chùa Dơi Sóc Trăng được xây dựng vào năm 1569. Tính tới nay chùa đã hơn 400 năm tuổi và là một trong số những ngôi chùa cổ còn lại tại tỉnh Sóc Trăng. Vào những ngày đầu xây dựng, chính điện của chùa chỉ được dựng bằng tre lá. Tuy nhiên, sau đó đã được xây dựng lại bằng gạch và lợp mái ngói. Vào năm 1960, chùa được tiến hành sửa chữa lại với quy mô lớn ở chánh điện. Sau khi trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo lại chùa đã có được dáng vẻ khang trang như bây giờ.

Vào năm 2008, có một sự kiện không may đã xảy ra tại chùa, đó là khu vực chánh điện của chùa Dơi xảy ra hỏa hoạn. Tuy nhiên, may mắn rằng tháng 4/2019 chánh điện của chùa đã được phục chế lại như cũ.

chùa Dơi ở Sóc Trăng

Tới năm 2013, khu du lịch chùa Dơi ở Sóc Trăng đã được đưa vào hoạt động. Mặc dù nguồn kinh phí khá eo hẹp nhưng khi du lịch vẫn có đầy đủ bãi đậu xe rộng rãi cùng các khu tiện ích khác như nhà hàng, xe điện,… nên được du khách thập phương đánh giá rất cao.

Chùa Dơi đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia vào năm 1999. Điều này có ảnh hưởng rất lớn, thể hiện rõ ràng qua lượng du khách tìm đến chùa dâng hương, tham quan vãn cảnh ngày càng đồng. Hiện nay, chính quyền tỉnh Sóc Trăng vẫn đang tiếp tục xem xét các chính sách và kế hoạch để bảo tồn, tôn tạo chùa Dơi để chùa không chỉ là nơi giáo dục tín ngưỡng mà còn là một điểm du lịch tâm linh quen thuộc với du khách gần xa.

3. Kiến trúc của chùa Dơi Sóc Trăng

Xét về kiến trúc thì chùa Dơi có kiến trúc khá lớn và đầy đủ các khu, bao gồm: chánh điện, sala, nhà hội của sư vãi và các tín đồ Phật giáo, phòng ở dành cho sư vãi và trụ trì, phòng khách, tháp để tro người mất,… Trong chùa có một khuôn viên rộng với nhiều cây cổ thụ. Tổng diện tích của chùa vào khoảng 4ha.

Mặc dù chùa Dơi được xây dựng để thờ Phật Thích Ca nhưng kiến trúc của chùa vẫn mang đậm dấu ấn của văn hóa kiến trúc Khmer. Toàn bộ ngôi chùa có sắc vàng cam Khmer đặc trưng, nổi bật giữa nền xanh biếc của cây cổ thụ.

chùa Dơi ở Sóc Trăng

Chùa được lợp bằng mái ngói. Tại bốn đầu mái được làm cong vút và chạm trổ họa tiết rắn Naga. phía trên đỉnh máu là một ngọn tháp nhọn. Chánh điện được bao quanh bởi các hàng cột đỡ. Tại mỗi cột đều có một tượng tiên nữ Kemnar đang chắp tay trước ngực,…

Khi đi sâu vào trong thánh điện chùa Dơi du khách sẽ thấy được bức tượng Phật Thích Ca được tạc bằng đá nguyên khối đặt trên một tòa sen với độ cao 2m. Ngoài ra, một bức tượng cũng để lại nhiều ấn tượng không kém đố là tượng miêu tả Đức Phật cưỡi trên rắn thần Muchalinda.

Đến với chùa Dơi Sóc Trăng du khách sẽ có cơ hội được tìm hiểu nhiều hơn về cuộc đời của Đức Phật thông qua những bức tranh. Đó là những bức tranh tả về cuộc sống của Đức Phật từ khi chào đời cho đến khi được khai minh và nhập Niết bàn. Ngoài ra, tại chùa còn có nhiều bộ kinh được ghi lại trên lá cây thốt nốt và những hiện vật quý hiếm, có giá trị lịch sử, văn hóa tín ngưỡng sâu sắc của vùng đất Nam Bộ. Nếu các bạn đi thăm chùa Dơi cùng với hướng dẫn viên du lịch thì sẽ được tìm hiểu cặn kẽ hơn về ngôi chùa này.

Sau khi thăm thú một vòng chùa Dơi ở Sóc Trăng, du khách có thể tranh thủ ngồi nghỉ chân dưới những bóng cây cổ thụ lớn trong khuôn viên. Ngoài ra, tại khuôn viên còn có rất nhiều bảo tháp chứa di hài của những vị trụ trì chùa qua các đời và nhà hội Sala được xây dựng theo kiểu nhà rông, đây là nơi nghỉ ngơi và tu học các các sư sãi.

4. Loài dơi tại chùa Dơi Sóc Trăng

Nếu đã đến chùa Dơi ở Sóc Trăng mà không nghe về những câu chuyện của loài dơi làm nên cái tên chùa thì quả thật là đáng tiếc. Tại khuôn viên chùa có trồng rất nhiều cây sao và cây dầu. Đây cũng là nơi trú ẩn của hàng vạn con dơi. Cứ đến buổi chiều lũ dơi lại thi nhau kéo về đây, che đen kín cả một vùng trời. Với những du khách thì cảnh tượng này có thể vừa lạ lại có chút đáng sợ. Tuy nhiên, các vị sư chùa lại khác. Họ không sợ cũng không cho rằng dơi là biểu tượng cho sự đen đủi, thiếu may mắn mà họ quan niệm việc dơi đổ về chùa là biểu trưng cho phú lành nhà Phật đã ban cho ngôi chùa này. Chính vì vậy loài dơi ở đây rất được bảo vệ.

chùa Dơi ở Sóc Trăng

Có lẽ loài dơi ở đây cũng hiểu được tấm lòng và tình cảm của người nhà Phật dành cho chúng nên lạ lùng thay, chưa có một cây trái nào ở trong khuôn viên vườn chùa bị chúng dòm ngó. Thậm chí, khi di chuyển chúng cũng sẽ bay lượn vòng thay vì bay thẳng qua nóc của ngôi chính điện chùa.

Thời gian hoạt động chủ yếu của đàn dơi là vào ban đêm, bắt đầu khoảng 6 giờ chiều. Lúc này chúng sẽ bay đi kiếm ăn. Tới khoảng 5h sáng hôm sau thì bay về. Mặc dù ở Sóc Trăng cũng chẳng thiếu những ngôi chùa thanh tịnh, có khuôn viên lớn và nhiều cây cổ thụ nhưng việc tại sao đàn dơi lại chỉ chọn chùa Dơi để làm nơi trú ẩn vẫn còn là một điều bí ẩn, khó lí giải. Khi đi kiếm ăn về bầy dơi chỉ đậu ở tán cây trong chùa chứ tuyệt nhiên không đậu ở bên ngoài.

Mặc dù đã có không ít các nhà khoa học nghiên cứu và tìm hiểu nhưng vẫn chưa có lời giải thích hay giả thuyết nào được đưa ra để lý giải hiện tượng này. Đây cũng chính là lý do thu hút du khách tìm đến chùa Dơi để tận mắt chứng kiến cảnh tượng này.

5. Truyền thuyết heo 5 móng

Những ai đã từng đến chùa Dơi Sóc Trăng chắc hẳn đã từng thấy những ngôi mộ kỳ lạ được xây dựng ở đây. Trên mỗi ngôi mộ đều vẽ hình con heo. Đây là mộ những con heo 5 móng được nhà sư nuôi trong chùa. Khi chúng chết các sư sẽ chôn tại đây. Điều đặc biệt là thay vì có 3 móng, heo được nuôi tại chùa lại có tận 5 móng.

Chuyện này bắt nguồn từ việc người Khmer cho rằng heo 5 móng là “cốt tinh” của con người. Nó mang ý nghĩa đen đủi, không may mắn. Vì vậy, nếu gia đình nào có heo 5 móng thì sẽ đem đến gửi cho nhà chùa nuôi bởi họ không muốn gặp bất hạnh, lục đục trong gia đình do con heo “thành tinh” này quấy phá. Chuyện này đã xảy ra từ hơn 20 năm trước đây và cho đến bây giờ vẫn vậy.

Nếu các bạn muốn tận mắt nhìn thấy heo 5 móng thì có thể nhờ sư thầy dẫn đi lối cổng sau chùa để thăm nhà nuôi heo 5 móng.

Như vậy là chúng tôi đã giới thiệu cho bạn về lịch sử, kiến trúc cùng những điều độc đáo, bí ẩn tại chùa Dơi ở Sóc Trăng rồi. Nếu có cơ hội các bạn nên ghé thăm chùa để tự mình “thám hiểm” và khám phá những điều độc đáo ở nơi đây!

 

  10 Ngôi Chùa Đẹp Và Linh Thiêng Nổi Tiếng Ở Đà Lạt

 

 

Add Comment